Lượt xem: 333

Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Sóc Trăng quan tâm thực hiện tốt công tác lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp rất quan tâm tới việc xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bởi đây là văn bản luật có tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, chính trị, môi trường, quốc phòng - an ninh và tác động đến mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, góp phần giải quyết các vụ việc khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai.

 


Đại biểu phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 16/3/2023. Ảnh: Khả Tú

 

    Chính vì vậy, việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm thực hiện trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; đồng thời, tranh thủ ý kiến các thành phần, tầng lớp nhân dân trong xã hội cùng tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng chính sách pháp luật.

    Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 và sau gần 9 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Luật Đất đai đã bộc lộ những hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng dự án Luật đất đai (sửa đổi) và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

    Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII và các nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt, đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển.

    Nhận thức tầm quan trọng của việc xây dựng dự án Luật đất đai (sửa đổi), thực hiện các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong thời gian qua, hệ thống MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều hình thức đa dạng như: Thông qua Trang thông tin điện tử Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, trên zalo MTTQ tỉnh, trên Trang cộng đồng fanpage - facebook của MTTQ các cấp về nội dung các bài viết góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); ứng dụng công nghệ thông tin tích hợp QR Code để người dân thuận tiện trong việc truy cập dự thảo Luật. Bên cạnh đó, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Sóc Trăng, Báo Sóc Trăng, Báo Đại đoàn kết đưa tin các hoạt động lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do các tổ chức chính trị - xã hội, MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức nhằm truyền tải chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, các vấn đề trọng tâm theo định hướng của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thông tin cụ thể đến các tầng lớp nhân dân, các đoàn viên, hội viên,... Song song đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cũng tích cực tuyên truyền nhân dân tham gia đóng góp ý kiến trên các nền tảng trực tuyến do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng thông qua Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh.

    Tính đến ngày 17/3/2023, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền 1.363 cuộc, có 81.780 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người dân dự; tổ chức 152 cuộc hội nghị, hội thảo với 529 lượt ý kiến góp ý. Thành phần các đại biểu lấy kiến gồm có đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị có liên quan; đoàn viên, hội viên các tổ chức thành viên của MTTQ; các vị là nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; thành viên các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn MTTQ cấp tỉnh và huyện; các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư.

    Kết quả tổng hợp bước đầu của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cho thấy, các tầng lớp nhân dân đánh giá rất cao sự nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc biên soạn và tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc tham gia góp ý của nhân dân đảm bảo đúng định hướng của Trung ương về 9 nội dung cần lấy ý kiến và 10 điểm mới mà dự thảo luật đã xây dựng. Đặc biệt, nhiều ý kiến của nhân dân đóng góp rất sâu sắc, toàn diện, có giá trị. Ngoài những vấn đề mang tính nguyên tắc, quan điểm, đã có nhiều ý kiến góp ý vào từng điều khoản, từng nội dung cụ thể của dự án luật. Trong đó, các ý kiến góp ý tập trung vào các vấn đề liên quan đến quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai (Chương II dự thảo); quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (Chương III dự thảo); quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Chương V dự thảo); thu hồi đất, trưng dụng đất (Chương VI dự thảo); bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (Chương VI dự thảo); giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (Chương IX dự thảo), đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Chương X dự thảo); tài chính về đất đai, giá đất (Chương XI dự thảo); thủ tục hành chính về đất đai (Chương XVI dự thảo)… Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến đất tôn giáo, tín ngưỡng (Điều 64, Điều 65 dự thảo); các chế độ quy hoạch, tái định cư đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 17, Điều 117 dự thảo); các nội dung liên quan đến thẩm quyền giải quyết đất đai, giải quyết khiếu nại, khiếu kiện (Điều 225, Điều 226 dự thảo) rất được người dân quan tâm góp ý. Các ý kiến góp ý đã được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tổng hợp, phản ánh đầy đủ, khách quan, trung thực gửi đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan theo đúng quy định.

    Có thể khẳng định, việc Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tích cực tuyên truyền, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã góp phần phát huy quyền làm chủ và huy động trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp nhân dân; qua đó tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan về việc sửa đổi Luật Đất đai.

    Với vai trò và chức năng của mình, trong thời gian tới, MTTQ các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền và tiếp nhận ý kiến của người dân tham gia góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Khả Tú



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 29
  • Hôm nay: 6212
  • Trong tuần: 76,919
  • Tất cả: 11,800,239